Dưới đây là đoạn trích của ấn phẩm. Vui lòng xem thêm và tải nội dung của ấn phẩm (file PDF) tại đây

LỜI NÓI ĐẦU

Với lợi thế to lớn đến từ nhiều yếu tố nội tại có thể kể đến như sự ổn định về mặt chính trị, quy mô thị trường trong nước, khả năng tiếp cận hàng hóa cơ bản, cơ chế ưu đãi đa dạng cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, trong một số ngành, nghề đặc biệt, Việt Nam vẫn đang đặt ra các giới hạn nhất định cho nhà đầu tư nước ngoài để có thể tiếp cận thị trường Việt Nam. Các giới hạn này có thể đến từ các quy định của pháp luật trong nước cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài những ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường Việt Nam không hạn chế, tùy thuộc vào mức độ đặc biệt của từng ngành, nghề, hiện nay, pháp luật đang phân loại rõ ràng đối với các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Cụ thể, Phụ lục I, ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ đã quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Phụ lục này phân định rõ các ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường Việt Nam có điều kiện và những ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu các quy định hiện hành về điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam, Công ty Luật TNHH HM&P ("HM&P") đã biên soạn tài liệu này, với mong muốn hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong giai đoạn tìm hiểu thị trường Việt Nam. Không những thế, tài liệu này còn có thể được sử dụng với mục đích tham khảo dành cho Quý đồng nghiệp, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và áp dụng các quy định về tiếp cận thị trường Việt Nam.

Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm cung cấp dịch vụ thực tiễn của các Luật sư tại HM&P, đồng thời, là quá trình tổng hợp, nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do. Với số lượng quy định lớn và trải dài trong nhiều lĩnh vực, tài liệu này không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. HM&P rất mong nhận được sự thông cảm và phản hồi, góp ý của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các anh, chị, em đồng nghiệp.

Đồng thời, tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo, không hàm chứa nội dung tư vấn pháp lý. Do đó, việc sử dụng tài liệu này đòi hỏi phải có sự kiểm tra, đối chiếu cũng như tham khảo ý kiến của đơn vị tư vấn/cơ quan có thẩm quyền trong từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi miễn trừ mọi trách nhiệm phát sinh từ việc dẫn chiếu, áp dụng nội dung tại tài liệu này.

Về nguyên tắc áp dụng các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường, tài liệu này được biên soạn dựa trên nguyên tắc sau:

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

(a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

(b) Hình thức đầu tư;

(c) Phạm vi hoạt động đầu tư;

(d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

(e) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Căn cứ tổng hợp các điều kiện tiếp cận thị trường gồm:

(a) Quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư bao gồm:

  • Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO;
  • Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA);
  • Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ - AFAS (Gói thứ 10);
  • Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA);
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA);
  • Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA);
  • Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);
  • Các Hiệp định khác.

(b) Quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ.

Click here to read full article.

The content of this article is intended to provide a general guide to the subject matter. Specialist advice should be sought about your specific circumstances.